Liên kết website

Thống kê truy cập

Xây dựng nông thôn mới

Động lực phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

14/09/2021 22:20 52 lượt xem

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp bảo đảm trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với yêu cầu chung của tỉnh… Là những bước đi quan trọng đang được huyện Hoàng Su Phì tập trung triển khai nhằm tạo động lực bứt phá để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Cánh đồng mẫu lúa chất lượng cao tại xã Bản Luốc.

Với đặc thù là huyện miền núi, phần lớn dân số lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, huyện Hoàng Su Phì xác định sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” chính trong cơ cấu kinh tế. Những năm gần đây, huyện tập trung triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo đề án của tỉnh, trong đó chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, gồm: Chè, cây ăn quả, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi hàng hóa; một số chương trình nông nghiệp trọng tâm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, Hoàng Su Phì có sản phẩm chè Shan tuyết chất lượng thơm, ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Nâng cao giá trị chè Shan tuyết là nội dung được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với tổng diện tích chè toàn huyện là 4.652,8 ha, hiện nay, huyện đang tập trung tái cơ cấu ngành chè bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp như hỗ trợ lãi suất cho người dân và các thành phần kinh tế vay vốn trồng mới, thâm canh, cải tạo các vườn chè già cỗi; hỗ trợ thành lập các cơ sở chế biến chè, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm… Đồng thời, quy hoạch lại vùng trồng, thu mua và chế biến chè Shan tuyết trọng điểm; xây dựng chuỗi giá trị liên kết từ khâu trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vừa qua, 2 sản phẩm chè của huyện là Hồng trà và Trà xanh (HTX chế biến chè Phìn Hồ) đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Chè Shan tuyết của huyện đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ, đem lại giá trị kinh tế cao.

  

 

Vùng sản xuất rau chuyên canh của người dân xã Thàng Tín.

Với giá trị thu hoạch trên 10 tỷ đồng/năm, cây ăn quả cũng được huyện xác định là cây trồng thế mạnh. Từ 2015 – 2020, huyện đã trồng mới được 600 ha cây lê, mận Máu, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 1.379 ha. Chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng lê, mận Máu. Với cơ chế hỗ trợ 100% giống cho các hộ trồng lê, mận Máu trong vùng quy hoạch; 100% chi phí xây dựng mô hình; kinh phí cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… Hiện nay, huyện đã hình thành một số vùng cây ăn quả tập trung tại các xã: Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Thèn Chu Phìn. Sản phẩm mận Máu Hoàng Su Phì đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Huyện xây dựng vườn ươm giống mận, lê tại xã Chiến Phố, Hồ Thầu với số lượng trên 11 vạn cây giống mỗi năm.

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tổng đàn trâu tăng trưởng bình quân 4%/năm, đàn bò tăng 6%, đàn dê tăng 8%, đàn lợn tăng 10%. Sản lượng xuất bán bình quân hàng năm ước đạt 5.645,5 tấn thịt hơi. Khuyến khích người dân phát triển theo quy mô gia trại, trang trại để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đến nay toàn huyện có 12 trang trại, 40 gia trại; tỷ trọng chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm 29,2%.

Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai các chương trình như: Cánh đồng mẫu sản xuất gạo chất lượng cao tại xã Bản Luốc và Hồ Thầu với diện tích 60 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa tại xã Tụ Nhân, Chiến Phố, Tân Tiến, Nam Sơn, Nậm Dịch, Bản Luốc; chương trình đầu tư có thu hồi với 51 dự án chăn nuôi, 11 dự án trồng trọt… Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến nay huyện có tổng số 22.794 máy, thiết bị phục vụ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, chế biến thức ăn chăn nuôi. Góp phần hiện đại hóa các khâu sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp, giảm chi phí và sức lao động.

Với nhiều chương trình nông nghiệp trọng tâm, trọng điểm được triển khai, đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn huyện đạt 1.295,94 tỷ đồng. Đóng góp tỷ lệ lớn trong tổng giá trị sản xuất của toàn huyện. “Cùng với việc tập trung triển khai các chương trình nông nghiệp trọng tâm, huyện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, huy động các nguồn lực để đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng thêm nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng để phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn” – Phó Chủ tịch UBND huyện, Triệu Sơn An cho biết.

www.hagiang.gov.vn

Tin khác